Chuyên gia chia sẻ về ứng dụng của bạt HDPE trong phát triển bền vững

Chuyên gia chia sẻ về ứng dụng của bạt HDPE trong phát triển bền vững. Cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Trần Ngọc Hưng, Trưởng phòng đại diện tại Việt Nam của GSE Lining Technology Co. Ltd.!

∑ Đọc thêm:

♦ Mô hình lót bạt HDPE nuôi tôm lãi hơn 2 tỷ/năm

♦ Nuôi lươn không bùn và nuôi cá lóc trên bể lót bạt tại An Giang

♦ Kỹ thuật làm bể lót bạt HPDE

Phỏng vấn hỏi: Bạt lót HDPE được xem là sản phẩm có nhiều ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, chống mất nước cho ao nuôi, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Chuyên gia đáp: Bạt HDPE (High Density Polyethylene) là loại vật liệu cao phân tử (polymer) không thấm nước, dễ uốn, bền trước tác động của môi trường và các loại hóa chất tẩy rửa. Chức năng chính của nó là chứa chất lỏng hoặc khí. Hiện nay trên thị trường, bạt HDPE được sử dụng rộng rãi, chiếm hơn 60% trong các loại bạt nhựa bởi các tính năng vượt trội như khả năng kháng tia UV và tác động của thời tiết; chống các động vật gặm nhấm và có khả năng kháng hóa chất, chống ôxy hóa. Do đó, HDPE được dùng trong xây dựng thủy lợi, môi trường, nông nghiệp và thủy sản.

Khi ao nuôi thủy sản được lót bạt HDPE, người nuôi dễ dàng quản lý và nâng cao chất lượng nước trong ao nuôi qua đó nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản. Bray và cộng sự, năm 2001 đã tiến hành nuôi tôm thực nghiệm tại Panama cho thấy, tôm có khả năng phòng tránh được bệnh đốm trắng khi nuôi với mật độ cao 274 – 371 tôm bột/m2 và 123 – 130 tôm post/m2, tỷ lệ sống sót đạt trên 80% khi tôm được nuôi trên bạt lót HDPE và thực hiện tốt các kỹ thuật nuôi so với tôm nuôi ở ao đất chỉ đạt 8,7%. Nguy cơ dịch bệnh được giảm thiểu bởi nước trong hồ nuôi được tách riêng và xử lý trước khi thả nuôi con giống. Bạt HDPE không thấm nước nên chống thất thoát nước và ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước ngầm và nhiễm mặn. Ao lót bạt HDPE cho phép rút ngắn thời gian vệ sinh, tẩy trùng giữa các vụ nuôi, chi phí vận hành và bảo dưỡng ao nuôi thấp. HDPE rất bền giúp cho người nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và lâu dài.

Phỏng vấn hỏi: Những lưu ý nào về quy trình kỹ thuật, cũng như việc lựa chọn sử dụng bạt HDPE trong ao nuôi?

Chuyên gia đáp: Ao nuôi sau khi đào phải được đầm chặt, vứt bỏ các vật sắc nhọn như đá, cành cây, sắt thép nhọn sau đó tiến hành trải bạt HDPE. Các tấm HDPE sẽ được hàn nhiệt để liên kết với nhau tạo thành một lớp chống thấm đồng nhất. Tấm HDPE này sẽ được cố định trên bờ ao bằng một rãnh neo đào xung quanh ao, chôn bạt xuống rồi lấp đất lên. Ngoài ra, người nuôi cũng cần phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật khác để nuôi tôm đạt hiệu quả gồm: Cần phải có nguồn tôm giống không có mầm bệnh gây ra EMS; Nâng cấp năng lực của các trang trại. Để loại bỏ EMS và các nguồn lây bệnh trong nước cần phải tạo ra môi trường vi sinh cân bằng, có tôm giống khỏe mạnh và quản lý tốt chất lượng nước cũng như đáy ao nuôi. Diệt trùng bằng chlorine hoặc ozone loại bỏ được phần lớn nguồn lây bệnh. Việc duy trì môi trường vi sinh vật cân bằng, có nhiều lợi khuẩn có thể giúp quản lý và nâng cao chất lượng nước trong ao nuôi. Thêm vào đó, các trang trại nên duy trì ánh sáng để tránh tảo nở hoa, tránh cho ăn thừa và hút bùn thải thường xuyên; Nên tiến hành nuôi ương tôm giống, quá trình này giúp tôm post to khỏe hơn, đồng thời chắc chắn rằng chúng không bị EMS. Nuôi ương khoảng từ 10 – 20 ngày giúp đánh giá chất lượng tôm post; Nâng cấp hạ tầng ao nuôi với hệ thống che kín. Ao nuôi nhỏ, sâu được che phủ bởi màng nhựa nhà kính hoặc lưới cho phép quản lý tốt hơn chất lượng ao nuôi cũng như dễ dàng tẩy trùng và cho tôm ăn, năng suất thu hoạch cao hơn (30 – 50 tấn/ha) để bù đắp vốn đầu tư.


Hình ảnh thi công hàn màng bạt chống thấm HDPE

Thi công lót bạt HDPE

Đối với việc sử dụng lót ao bằng HDPE để nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ Biofloc, được John A. Hargreaves đưa ra những khuyến cáo sau: Đặc trưng của hệ thống này là đào ao tương đối nhỏ (0,5 – 1,5 ha), lót bằng bạt HDPE (thường có độ dày 0,75 – 1 mm HDPE), thổi khí mạnh để duy trì thức ăn/chất rắn lơ lửng trong ao; Đặt quạt nước phải đảm bảo nước lưu thông, tránh để bùn tích tụ, vị trí đặt quạt cần phải thay đổi thường xuyên để tránh hình thành các khu vực yếm khí độc hại; lượng thức ăn lơ lửng đạt 15 ml/l được duy trì bằng cách thêm bột ngũ cốc (18% protein) và rỉ đường, tỷ lệ cho thêm đảm bảo lớn hơn 15:1 (C:N); khi tôm đạt khoảng 10 tấn/ha cần phải hút bùn ở trung tâm các ao nuôi.

Bạt HDPE chất lượng và uy tín phải được sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh (virgin), không dùng hạt nhựa tái sinh (recycled) và được nhà sản xuất bảo hành tối thiểu 5 năm. Bạt HDPE phải được chứng nhận chứa được nước ăn/uống (chứng nhận NSF 61 & AS/NZS 4020) đồng thời không chứa các phụ gia, hóa chất có thể ảnh hưởng tới chất lượng nước và làm hại vật nuôi. Đối với các loại bạt HDPE có độ dày từ 0,75 mm trở lên phải đạt tiêu chuẩn GRI-GM13 của Viện Nghiên cứu vật liệu Địa Kỹ thuật.


Trụ sở GSE Lining Technology Co.Ltd tại Thái Lan

Phỏng vấn hỏi: Anh có lời khuyên gì cho người nuôi khi sử dụng bạt lót HDPE?

Chuyên gia đáp: Để nuôi tôm bền vững phải có hệ thống hạ tầng trang trại tốt đồng thời giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Giải pháp ao nuôi trải bạt HDPE có thể đáp ứng tốt các yêu cầu trên vì vậy cần đầu tư đồng bộ để lót bạt cho diện tích ao đất đang nuôi cũng như các ao mới trong tương lai.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh về bạt HDPE !

Nguồn: báo thủy sản Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *